Tìm hiểu về dòng họ Ma, tổ tiên ở Cẩm Khê Phú Thọ bây giờ

Gia toc ho Ma

VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
Bí ẩn dòng họ Ma – Dòng họ lâu đời nhất Việt Nam?

Tộc trưởng dòng họ Ma ở Phú Thọ cho rằng dòng họ mình đã có từ thời vua Hùng, là dòng họ lâu đời nhất Việt Nam, có nhiều công lao dựng nước và giữ nước. Nổi bật trong dòng họ là Ma Tộc Thần Tướng – Ma Xuân Trường.

Thời điểm hiện tại, dòng họ Ma là dòng họ duy nhất tại Việt Nam còn lưu giữ được Ngọc Phả chứng minh cụ tổ của dòng tộc mình đã được sinh ra từ thời Hùng Vương, có công giúp vua Hùng dựng nước và giữ nước.

Tóm tắt nội dung
Họ Ma – Dòng họ đã có 81 đời
Dòng họ duy nhất còn giữ ngọc phả từ thời Hùng Vương
Truyền thuyết khuyết sử về dòng họ Ma
Họ Ma – Dòng họ đã có 81 đời ( Tính Đến Năm 2022 )

Ông Ma Ngọc Bảo, tộc trưởng thứ 79 của dòng họ Ma tự hào chia sẻ: “Nếu đến năm 2015 mà dòng họ Nguyễn và dòng họ Cao không tìm được thấy ngọc phả của mình, thì dòng họ Ma sẽ được ghi nhận là dòng họ lâu đời nhất Việt Nam“.

Bí ẩn dòng họ Ma – Dòng họ lâu đời nhất Việt Nam?
Ông tộc trưởng Ma Ngọc Bảo với gia phả dòng họ (trái) và cụ Từ, người trông coi ngôi đền Trù Mật, đang giữ những tư liệu liên quan đến dòng họ Ma.
Ông Bảo năm nay đã ngoài 70 tuổi ( đã mất ) chia sẻ cuốn gia phả của dòng họ kéo dài hàng nghìn năm đã chuyển thành chữ quốc ngữ. Ông là tộc trưởng đời thứ 79 của dòng họ, tộc trưởng đầu tiên là ông tổ Ma Khê, mất năm 259 trước công nguyên thọ 95 tuổi. Người trẻ nhất kế vị trong gia phả là cháu đích tôn của ông Bảo: Ma Tân Thành, năm nay cũng đã 17 tuổi, thuộc về đời thứ 81.

Ông Bảo cho biết: “Trong mười tám chi họ Hùng tồn tại ở Việt Nam với gần chín mươi đời vua thì cụ tổ Ma Khê của dòng họ là con Hùng Nghị Vương thứ ba năm 354 trước Công nguyên, thuộc đời Hùng Vương thứ 17. Họ Ma là người dân tộc Tày, định cư chủ yếu ở vùng núi Đọi, ven sông Thao, nay thuộc đất Cẩm Khê, Phú Thọ. Cụ tổ Ma Khê là người tài đức song toàn, từ nhỏ đã bộc lộ nhiều khả năng xuất chúng. Năm 18 tuổi, ông đã thay cha giữ chức tộc trưởng đứng đầu bộ tộc Tày núi Đọi. Đến đời Hùng Vương thứ 18, gặp lúc trong nước có giặc, ông đã mang dân binh Ma tộc về giúp vua Hùng đánh giặc, lập nên nhiều chiến công lớn, được Hùng Duệ Vương yêu mến và phong chức Đại tướng quân. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ trấn thủ đất Phong Châu, đóng quân ở ngã ba sông Bạch Hạc. Với nhiều công lao to lớn, Ma Khê được Hùng Duệ Vương thứ hai phong cho đến chức Phụ Quốc Ma Vương Đại Thần, Đại Tướng Quân và triệu về triều đình giúp vua trị nước an dân.

Nhân dân bộ tộc núi Đọi rất tự hào về ông và dần dần người ta tự đổi tên vùng đất mình sống thành đất Ma Khê. Bất cứ ai, đi đến đâu chỉ cần nói là người vùng Ma Khê thì thiên hạ cúi đầu nể phục. Trải qua hàng nghìn năm, vùng đất này được mở rộng và thành tên Ma Khê. Đến thời đất nước chia nhiều quận huyện thì gọi là huyện Ma Khê, có triều đại đổi thành huyện Hoa Khê, và cuối cùng là cái tên Cẩm Khê như ngày nay.“

Cụ tổ Ma Khê là một trong bốn vị tướng quốc nổi tiếng thời đại Hùng Duệ Vương. Ba vị còn lại bao gồm Cao Sơn, Quý Minh và Nguyễn Tuấn. Tuy nhiên, do dòng họ Nguyễn và dòng họ Cao chưa tìm thấy ngọc phả của mình nên trên danh nghĩa thì dòng họ Ma vẫn được ghi nhận là dòng họ lâu đời nhất Việt Nam cho đến nay.

Đền Trù Mật thị xã Phú Thọ
Đền thờ Trù Mật ở thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) thờ tộc trưởng thứ 43 của dòng họ Ma
Dòng họ duy nhất còn giữ ngọc phả từ thời Hùng Vương
Cụ Ma Văn Thực (1917-2004), thân sinh của ông Bảo, vừa theo Hán học, vừa theo Tây học, là người được cha mình là cụ Ma Văn Thị (1878-1950) giao cho giữ tộc phả và hàng năm lo việc cúng tế giỗ chạp tổ tiên.

Ông Ma Ngọc Bảo tiếp tục chia sẻ: “Thời chiến tranh, các bản gốc của gia phả bị hủy hoại hoặc thất lạc. Nhưng cha tôi đã kịp chuyển thành chữ quốc ngữ” . Sau này ông Bảo sao ra nhiều bản để gửi cho các chi nhánh dòng họ Ma ở Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang…

Ngọc Phả họ Ma (Ngọc Phả ma tộc)
Ngọc Phả ma tộc ghi lại lịch sử từ thời Hùng Vương
Có rất nhiều điều mang tính truyền thuyết xung quanh cuốn gia phả dòng họ này, nhưng có những dấu tích vẫn nằm trong dư địa chí miền trung du Phú Thọ. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Thọ, Nguyễn Hữu Nhàn cho biết: “Truyền thuyết về dòng họ Ma gắn liền với thời Hùng Vương thứ 18, đồng thời cũng gắn liền với những ngôi đền thờ, tên núi, tên sông nay vẫn còn tại tỉnh Phú Thọ. Đó là đền Kim Giao thờ ông Ma Khê, tại xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê. Tương truyền bộ tộc người Tày họ Ma dưới chân núi Đọi Đèn ở đây đã triệu tập binh mã giúp Hùng Vương đánh thắng giặc, giữ yên bờ cõi cho nước Văn Lang”.

Thời điểm ấy, họ Ma xây thành trì của riêng mình, lấy tên là Ma Thành, nhưng để tránh từ “ma” trong tiếng người Việt nên gọi là thành Mè. Hiện nay ở thị xã Phú Thọ vẫn còn những dấu tích có tên chợ Mè, bến (sông) Mè…

Dấu tích đền Trù Mật
Thanh đao của dòng họ Ma (trái) và biển hiệu đền Trù Mật.
Theo lời kể trong Ngọc Phả dòng họ Ma, kể từ sau đời cụ tổ Ma Khê, họ Ma lui về ẩn dật, làm ruộng. Mãi cho đến đời thứ 43, một người con của dòng họ là Ma Xuân Trường (930-966) đã đi vào sử sách nước nhà. Thời điểm đó là thời nhà Ngô tan rã, đất nước rơi vào loạn 12 sứ quân. Vùng phía Bắc do một người là Kiều Thuận cai quản với một vị tướng dưới quyền là Ma Xuân Trường.

Trong cuộc chiến 12 sứ quân, Ma Xuân Trường có công giải cứu Kiều Thuận khi đã bị thương. Sau đó Ma Xuân Trường đưa cả họ tộc chạy lên Tuần Quán, Yên Bái thì qua đời tại đây, thọ 36 tuổi. Hiện ở Tuần Quán vẫn còn miếu thờ ông.

Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng. Ông đã không trị tội Kiều Thuận, mà để an dân, ông còn phong danh hiệu “Trung quân ái quốc”, và ban cho dân lập đền thờ.

Ngôi đền ấy giờ đây nằm bình yên, nép bóng bên con đường làng xanh tươi ở làng Trù Mật, thị xã Phú Thọ. Ngôi đền gắn liền với lịch sử thị xã Phú Thọ được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia này được xây dựng năm 970 và nay đã được trùng tu nhiều lần. Nơi đây thờ “Cương nghị đại vương” Kiều Thuận và “ Ma tộc thần tướng” Ma Xuân Trường.

Bệ thờ Ma Tộc Thần Tướng
Bệ thờ Ma Tộc Thần Tướng tại đền Trù Mật được con cháu MA TỘC – Thị Xã Phú Thọ cùng nhau trùng tu xây dựng lại vào ngày 01/10/2022 ( tức ngày 06/09 ÂL năm Nhâm Dần )

Truyền thuyết khuyết sử về dòng họ Ma
Những câu chuyện về ông tổ Ma Khê và dòng họ lâu đời nhất Việt Nam có từ thời vua Hùng thuộc về dạng truyền thuyết mà nhà sử học Đào Duy Anh gọi là “truyền thuyết khuyết sử”, nhưng lại trở nên rất thiêng liêng, là niềm tự hào của con cháu dòng họ Ma bây giờ.

Tuy nhiên, nhiều người đã thay đổi họ của mình, ông Bảo chia sẻ: “Hiện nay, tồn tại một sự việc đáng buồn, đó là: Nhiều người thuộc dòng họ Ma, nhưng do các cụ sinh sống trước đây hiểu biết còn hạn chế đã nghĩ rằng họ Ma là xấu, là xui xẻo nên đã đổi thành họ Mai… Tuy nhiên, lịch sử một dòng họ vẫn còn đầy đủ ngọc phả chứng nhận đã có từ thời Hùng Vương là một niềm tự hào. Mỗi người dòng họ Ma trên đất nước Việt Nam hãy đừng quay lưng với chính niềm tự hào của mình“

Tuy nhiên, những người họ Ma – dòng họ lâu đời nhất Việt Nam vẫn rất đông và sinh sống khắp cả nước, ông Bảo cho biết thêm: “Vì dòng họ Ma rất đông, sinh sống ở khắp nơi nên năm 1902 các cụ đã họp lại, chia nhỏ thành ba nhóm cho tiện bề sinh hoạt cúng tế tổ tiên. Nhóm trưởng giữ ngọc phả của dòng họ, nhóm thứ hai giữ thanh đao thờ, còn nhóm thứ ba giữ ngựa gỗ thờ của tổ”.

Con ngựa gỗ giờ đã thất lạc, nhưng thanh đao sắt thì vẫn còn ở đền Trù Mật, nơi con cháu dòng họ Ma hàng năm vẫn tụ hội về đây để tưởng nhớ cha ông.

Đất Tổ với họ Ma người Tày

Nước Văn Lang của người Lạc Việt trải dài từ Yên Bái xuống theo các lưu vực sông Hồng, sông Mã… Phía Tây Bắc là địa bàn Âu Việt của người Tày Thái cổ. Tuy cư dân Văn Lang chủ yếu là người Việt Mường nhưng cũng có bộ tộc người Tày Thái cổ bỏ nhà Thục theo về nhà Hùng.
Vào thời Hùng Vương chi thứ 18, đời Hùng Duệ Vương thứ I (theo Ngọc phả họ Ma thì Hùng Vương thứ 18 có 3 đời). Bộ tộc người Tày họ Ma ở chân núi Đọi Đèn huyện Cẩm Khê do Ma Khê là tộc trưởng đã triệu tập binh mã giúp Hùng Vương đánh thắng giặc giữ yên bờ cõi cho nước Văn Lang. Ma Khê được Hùng Duệ Vương phong chức “Đại tướng quân” trấn giữ phía tây thành Phong Châu. Đến đời Hùng Duệ Vương thứ II do tài đức và lập nhiều công lớn ông lại được vua phong “Phụ Quốc Ma Vương Đại Thần Đại Tướng Quân”. Rồi ông được triệu về kinh đô giúp vua trông coi triều chính, trị quốc an dân .

Ma Khê sinh một trai một gái. Con trai là Ma Xuân. Con gái gọi là nàng Huệ, Huệ Nương. Huệ Nương lấy Bảo Công là Lạc tướng đời Hùng Duệ Vương thứ III. Ma Xuân, con cả Ma Khê cũng là tướng nhà Hùng. Ma Xuân sang sông xây thành. Vì là thành của người Tày họ Ma nên gọi là Ma Thành. Tránh từ “Ma” trong tiếng việt nên Ma Thành gọi là Thành Mè. Nay thị xã Phú Thọ vẫn có dấu tích khu vực thành Mè và chợ Mè, bến Mè là bến sông do người họ Ma lập ra.

Hùng Duệ Vương thứ III, cuối thời Hùng Vương thứ 18 không có con trai, triều đình lại lung lay, bên ngoài thì Thục Phán nhòm ngó cướp ngôi bên trong thì rối loạn. Lạc Tướng Bảo Công con rể Ma Khê định củng cố thế lực đoạt ngôi vua. Nhưng một đêm ngủ tại Ma Thành cùng anh vợ có thần về báo mộng của trách nên từ bỏ ý định làm loạn.

Thục Phán cướp ngôi, sáp nhập Âu Việt với Lạc Việt thành nước Âu Lạc rời đô về Cổ Loa xây thành để giữ nước. Cha con Ma Khê, Ma Xuân, Bảo Công không hợp tác với nhà Thục trở về sinh sống ở đất Hoa Khê chân núi Đọi Đèn, nay thuộc các xã Tình Cương, Văn Khúc, Chương Xá, Cát Trù, Thạch Đê của huyện Cẩm khê. Vùng đất Cẩm Khê thời cổ đại làđịa bàn của người Tày họ Ma làm chủ. Khi Việt Nam được chia thành quận huyện thì được gọi là huyện Ma Khê, rồi Kim Khê, Hoa Khê để sau này thành huyện Cẩm Khê. Khê không chỉ có nghĩa đèo dốc mà còn Mang tên vị đại tộc trưởng người Tày đã có nhiều đóng góp cho nhà nước Văn Lang dưới thời Vua Hùng thứ 18.

Theo ngọc phả Ma tộc thì năm 246 Trước công nguyên Ma Xuân thay cha làm tộc trưởng họ Ma đã rời cả bộ tộc từ vùng núi Đọi Đèn sang Ma Thành để mở Mang điền ấp, sinh cơ lập nghiệp tại đất mới, nay là thị xã Phú Thọ.

Năm 259 Trước công nguyên. Phụ quốc Ma Khê 95 tuổi, cụ mất tại thành Mè. Nhân dân thành Mè lập ngôi đền Sở để thờ cụ. Người ta cũng xây ngôi miếu Mẫu để thờ cụ bà Ma Khê ở trước cửa phía đông chợ Mè ngày nay. Năm 1947 giặc Pháp phá huỷ mất ngôi đền Sở và đình Mè, nay chỉ còn miếu Bà.

Ở Gò Làng, chân núi Đọi Đèn nhân dân làng Văn Khúc cũng xây đền thờ Phụ Quốc Đại Thần, Đại Tướng Quân Ma Khê, đó là đền Kim Giao. Làng Văn Khúc cũng xây đền, sau là đình làng thờ nơi Vua Hùng gặp Quế Anh Phu Nhân (mẹ các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa) và đây cũng là nơi thuở trước Vua Hùng thường hội kiến với Ma Khê và con rể Nguyễn Tuấn, người Mường quê ở vùng sông Đà núi Tản, khi chết được gọi là Tản Viên Sơn Thánh là một trong tứ bất tử của thần điện Việt Nam.

Tương truyền từ Văn Khúc Đọi Đèn, Ma Khê sang lấy vợ bên làng Vi cạnh đền Hùng. Làng Vi cũng là địa bàn cư trú của người Tày Thái Cổ. Khu vực họ ở đầy tre các loại. Ngôn ngữ Tày Thái gọi tre là Pheo. Nên ở đây mới có bản Pheo đồng thời người Việt cũng gọi đấy là xóm Tre. Trong ba ngọn núi thiêng ở Đền Hùng, Tam sơn cấm địa trong tâm linh tâm thức Việt Nam có ngọn núi nhỏ nhất Mang tên Tày là núi Nỏn, đồng thời nó cũng Mang một tên Việt là Núi út (Nỏn là út)

Theo ông Lê Tượng nguyên trưởng ban quản lý Đền Hùng thì ở khu vực Đền Hùng có một tấm bia ghi dịa danh của năm mươi khu ruộng mà một nửa trong số đó được gọi là Na (vì người Tày gọi ruộng là na) như Na Hưu, Na Dầu, Na Hoàng vv..

Hẳn rằng Vua Hùng thứ 18 biết rõ chỉ có người Tày mới hiểu biết về người Tày hơn ai hết; vì thế triều đình mới trao quyền cao chức trọng và cho trấn giữ biên giới phía Tây để ngăn chặn người Âu Việt khi họ tràn xuống đánh chiếm Lạc Việt.

Phú Thọ thời Hùng Vương là địa bàn cư trú xen kẽ giữa hai nhóm tộc người Việt Mường và Tày Thái cổ. Suốt thời cổ đại, trung đại, các nhóm Việt cổ tràn xuống khai khẩn vùng trung châu. Do tiếp biến văn hoá họ trở thành người Kinh. Về sau Phú Thọ thành nơi đất rộng người thưa mà vùng đồng bằng thì càng ngày càng đông người chật chội nên từng nhóm cư dân người kinh lại tràn lên sinh sống ở miền đất cổ này. Lâu dần người Kinh lại có số dân đa số, người bản địa vẫn bám trụ ở đây trở thành người thiểu số. Đến thời Lê, để phân biệt với các làng người Kinh, triều đình cho gọi các điểm cư trú của người thiểu số là động Man. Ta còn nhớ có các động Trúc Phê, Hưng Hoá. động Hoa Khê ở Cẩm Khê,động Phú An, thị xã Phú Thọ. Phú An động cũng do người Tày từ Hoa Khê đến nên Thị xã Phú Thọ cũng từng được gọi là Hoa Khê động. ở Tam Nông còn có động Khuất Lão (xã Văn Lang) và động Lăng Xương (Trung Nghĩa, Thanh Thuỷ)… Người thiểu số khi ấy có nhóm người Mường tách từ người Lạc Việt và người Tày tách từ nhóm Âu Việt. Các nhóm thiểu số ở vùng ngoài Phú Thọ lâu dần cũng do tiếp biến văn hoá mà thành người Kinh. Từ người Mường có các họ Đinh, Quách, Bạch, Hà, Bùi. Từ người Tày có các họ Ma, Mè, Mai. Mai, Mè đều do biến âm từ họ Ma mà thành. Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Khắc Xương thì ở huyện Thanh Ba gần đây vẫn còn những ngôi miếu Mường (miếu của người Mường khi xưa).

Về họ Ma người Tày thì còn để lại khá nhiều dấu ấn ở Đất Tổ bằng các truyền thuyết, thần tích, ngọc phả và hàng loạt di tích thờ cúng ở Cẩm Khê, Trù Mật, Phú An, Đền Hùng… Đoạn sông Hồng từ Yên Bái về Việt Trì do người Tày ở chính hai bên nên nó được Mang tên theo ngữ hệ Tày Thái là sông Thao do biến âm, gọi chệch từ Nậm Tao mà ra.

Họ Ma người Tày ở Phú Thọ nay hầu hết đều khai lý lịch là dân tộc Kinh. Rất ít người vẫn khai dân tộc Tày. Thậm chí trong một gia đình thì anh khai là người Kinh, các em khai là dân tộcTày. Điển hình như gia đình tộc trưởng Ma Ngọc Bảo Việt Trì, các em ông như ca sĩ Ma Thị Bích Việt vẫn khai lí lịch từ trước là ngưòi Tày. Ông Bảo và các con khai là người Kinh. Anh em họ mạc nhà ông hiện có rất đông là người Tày ở Lục Yên Châu, Tuần Quản (Yên Bái) và Đầm Hồng (Tuyên Quang).

Ông Ma Ngọc Bảo đời thứ 79 tính từ cụ tổ Ma Khê (thời Hùng Vương thứ 18) hiện là trưởng họ Ma. Vì thế ông được cha ông trao truyền cho giữ ngọc phả của Ma Tộc và phả hệ của dòng họ nhà mình.

Tính từ cụ Ma Khê đến nay đã có 81 đời, tức là cháu đích tôn của ông Ma Ngọc Bảo là Ma Tân Thành sinh năm 2005.

Cụ Ma Văn Thực bố ông Bảo (1917 – 2004) vừa theo Hán học, vừa theo Tây học nguyên phụ trách ngành tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Phú, vì là con trưởng làm tộc trưởng nên được cha mình Ma Văn Thị (1878 – 1950) giao cho giữ tộc phả, gia phả và hàng năm lo giỗ chạp cúng tế tổ tiên. Vì có xuất sứ gia đình quý tộc nên các cụ luôn có ý thức gìn giữ ngọc phả Ma tộc và phả hệ các đời con cháu từ cụ Ma Khê xuống. Do chiến tranh các bản gốc bị huỷ hoại nhưng đời ông đời cha ông Ma Ngọc Bảo đã có công ghi chép lại, vì vậy ngày nay ông Bảo mới sao ra gửi cho các dòng họ Ma cùng tông tộc ở Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang… để họ nhớ về tiền nhân đặc biệt tự hào là tổ tiên có liên quan đến triều đại Hùng Vương thứ 18…

Trong danh sách của 81 đời tộc trưởng thì chặng đầu tham gia việc triều chính chỉ có cha con cụ tổ Ma Khê, Ma xuân và con rể Bảo Công. Từ sau đó cho đến đời thứ 42 con cháu Ma tộc chỉ lo việc ruộng đồng, nương dẫy là chính. Đời thứ 43 Ma Xuân Trường (930 – 966) lại được đi vào sử sách nước nhà. Đó là thời nhà Ngô tan giã, đất nước loạn 12 xứ quân. Vùng phía Bắc do Kiều Thuận cai quản. Ông kết giao, kết nghĩa với Ma Xuân Trường, tộc trưởng họ Ma. vì Ma Thành vốn có lực lượng vũ trang khá mạnh. Kiều Thuận bị quân của Đinh Bộ Lĩnh vây hãm ở thành Hưng Hoá. Ma Xuân Trường đem tinh binh giải cứu đưa được tướng Kiều Thuận đã bị thương về Ma Thành. Tướng của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Điền và Nguyễn Bắc đem quân vay hãm thành Mè. Kiều Thuận qua đời tại đây. Ma xuân Trường đưa cả Ma tộc chạy lên Tuần Quán, Yên Bái thì qua đời. Ngày nay ở Tuần Quán vẫn có miếu thờ ông.

Sau khi thống nhất được đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lập lên triều nhà Đinh gọi ông là Đinh Tiên Hoàng. Khi xét công định tội, Đinh Tiên Hoàng đã không trị tội Kiều Thuận và Ma Xuân Trường mà còn truy phong họ là “Trung quân ái quốc” và ban cho dân hai làng Trù mật, Phú An (thị xã Phú Thọ) lập đền thờ họ.

Việc làm ấy chứng tỏ nhà Đinh muốn an dân là chính vì người của họ Ma khi ấy đã rất đông đúc ở hầu khắp các vùng thượng du. Tàn sát họ thì triều đình không lợi gì. Hơn nữa trước đó Đinh Bộ Lĩnh cũng như Kiều Thuận và Ma Xuân Trường đều là bề tôi của vua Ngô. Kiều Thuận và Ma Xuân Trường cũng vì trung quân ái quốc mà chống lại mình và mặt khác người vợ xinh đẹp yêu dấu của Đinh Bộ Lĩnh là Dương Văn Nga lại là cháu bà mẹ của tướng quân Kiều Thuận, vì nể vợ mà Đinh Tiên Hoàng tha bổng và truy phong cho họ chăng.

Họ Ma trải qua mấy ngàn năm, cũng trải qua nhiều thịnh suy bĩ thái. Đến đời tộc trưởng thứ 44 Ma Phúc Vinh cùng vợ là Nguyễn Thị Bích lại đưa gia nhân trở về sau loạn 12 xứ quân để tu sửa lại Ma Thành củng cố bộ tộc,lập từ đường thờ “MaTộc thần tướng Ma xuân Trường”. Còn các cụ tổ về trước thì tôn là thượng tổ và cao tổ vẫn thờ ở các đền miếu từ trước.

Vì dân tộc Tày họ Ma lớn, địa bàn trải rộng khắp nơi năm 1902 họ Ma phải chia nhỏ thành ba nhóm cho tiện bề sinh hoạt cúng tế tổ tiên.

– Nhóm trưởng (nay ở Việt Trì) được giữ ngọc phả và cúng tế tại các đình miếu công.

– Nhóm hai được giữ thanh kiếm thờ cụ Tổ.

-Nhóm ba được giữ ngựa gỗ thờ của Tổ .

Nhóm hai và nhóm ba được cúng tại các nhà chi trưởng của mỗi nhóm.

Nhờ có ngọc phả họ Ma người Tày ở Phú Thọ và cả nước ta càng hiểu hơn về lịch sử nước nhà từ thời Hùng Vương thứ 18 về sau này. Qua đây càng soi sáng hơn Phú Thọ là Đất Tổ của cả nước.

Bài Viết Trên Theo Tư Liệu Lịch Sử Phú Thọ và Một Số Dữ Liệu Theo Gia Phả Đã Được cập Nhật Và Chỉnh Sủa Thêm Năm 2022

Theo Việt Nam Gia Phả

Rate this post

Leave a reply